Vài nét thi ca dân tộc thiểu số

(Bài này đã được đăng trên báo Đoàn Kết số tháng 5/2014,

lấy bút danh Song Đào, viết cùng nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo)

« Anh ngắm em mấy lần từ khi trăng mới nhú lên

Ngắm em tươi thắm môi cười

Từ khi mái tóc chấm vai

Đến nay khi tóc em dài

Thì em đi đến với ai? »

Bài dân ca Chàm đẹp như một vầng trăng sáng. Thiên nhiên và hồn nhiên. Chữ “nhú” sao mà khêu gợi, tình tứ, thoảng nhẹ như thạch nhũ hiện đêm trăng.

Các vua Lý và Trần mỗi lần thắng trận lại bắt các nghệ nhân Chàm đem về Bắc. Cho nên, ảnh hưởng văn minh Chàm, hồn sầu vạn cổ đã thấm vào văn hiến sông Hồng. Thi ca, kiến trúc, vũ điệu, dân ca đều thấy có ảnh hưởng Chàm.

Núi rừng thiên về âm nên nữ giới được thiên nhiên tô điểm. Lại một số cung tần mỹ nữ (vua cho « nghỉ ») được vua ban để lấy lòng các trưởng bản, nên sắc đẹp cùng nước da trắng ngần của dòng tộc lại càng lộng lẫy như Hằng Nga… Các thiếu nữ xiêm y hồng đào quyện màu trắng hoa ban múa xòe Thái trên điệu nhạc dân ca thì chim muông cầm thú, cỏ cây, suối, đá, núi rừng đều ngây dại..

Khi các cô xuống suối “tắm tiên”, đôi gò “đồng bảo” căng trước gió, thì quả là một bản giao hưởng của thiên nhiên vũ trụ đồng tấu với bản “Sonate Ánh trăng” của Beethoven. Các Apollon (1) và Orphée (2) chắc phải ngất ngây và chớm nở một cơn ghen yêu đương thầm kín trĩu nặng tâm hồn.

Dân tộc Pu Péo (tên khác: Pen ti Lô Lô) chỉ có khoảng 700 dân số và chỉ có ở Hà Giang, mà dân ca thì thật đẹp. Mời các bạn đọc bài “Bên người yêu”:

Hai nốt cuối mi bémol fa (gần như) kết câu vào thật bất ngờ gây một cảm giác rung động thót tim. Còn lời « em vẫn cùng anh… » bỏ ngỏ để ai muốn tưởng tượng sự kiện gì, thế nào, ở đâu, có xảy ra hay không thì cứ để tinh anh bay bổng trong viễn mộng âm dương Hằng-Chuyển (3)  🙂

Nguyễn Thiện Đạo – Song Đào

5/2014


(1) Apollon: 1 vị thần trong thần thoại Hy Lạp, về ca-nhạc – họa 

(2) Orphée: 1 trong những vị thần rất nổi tiếng của thần thoại Hy Lạp với vẻ đẹp và sự duyên dáng qua tiếng đàn hạc của mình để quyến rũ muôn loài.

(3) Hằng-Chuyển: là từ ghép của hai ý nghĩa “thường hằng” – ổn định, và “lưu chuyển” – bất ổn định, lấy ý từ trong Kinh Dịch.

Mọi việc vận hành từ chuyển động, mỗi sự ổn định đều trong một giới hạn tương đối để dần nhích đến cực điểm để chuyển hóa thành cực khác, rồi cứ thế tiếp tục để giữ sự cân bằng, quân bình trong vũ trụ. Như khái niệm “âm cực hóa dương”, “dương cực hóa âm”, hoặc “sinh-lão-bệnh-tử rồi lại sinh…” thành chu kỳ vĩnh viễn luân hồi của sự sống…

Bình luận về bài viết này